5 Lưu Ý Quan Trọng Khi Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bố Mẹ Nên Biết
Bên cạnh sự chuẩn bị tốt về tài chính, sức khỏe, tinh thần để chào đón con yêu chào đời, cha mẹ cần tìm hiểu các kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh. Đây là giai đoạn tiền đề quan trọng nhất để con yêu phát triển khỏe mạnh.
Việc trang bị các kiến thức để chăm sóc con yêu trong những ngày đầu tiên rất quan trọng vì khi mới chào đời con rất lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Nếu con không được chăm sóc đúng cách rất dễ bị ốm đau, phát triển kém… Vì vậy, cha mẹ nên đặc biệt lưu ý một số điều sau khi chăm sóc trẻ vừa mới chào đời.
Giữ ấm cho trẻ sơ sinh
Trẻ mới sinh ra có sức đề kháng yếu, nếu để trẻ bị lạnh sẽ gây ra những bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản… Vì vậy, trước ngày dự sinh mẹ bầu nên chuẩn bị đầy đủ quần áo, mũ, bao tay, bao chân, khăn quàng cổ, tã lót… để giữ ấm cho cơ thể con. Hãy để trẻ được nằm chung với mẹ để mẹ ủ ấm cho con, đồng thời theo dõi sự thay đổi nhiệt độ cơ thể con mọi lúc.
Tuy nhiên, cha mẹ nên có sự điều chỉnh hợp lý trong việc giữ ấm cho trẻ. Vào mùa đông, con cần được giữ ấm cẩn thận hơn, hạn chế cho con ra khỏi phòng, sử dụng thêm máy sưởi để giữ nhiệt độ trong phòng luôn đủ ấm. Vào mùa hè thì việc giữ ấm cho con vẫn rất cần thiết nhưng ở mức độ vừa phải. Nếu bạn mặc quá nhiều quần áo cho con vào thời điểm nóng bức sẽ làm con toát mồ hôi, khó chịu, quấy khóc. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn kiểm tra xem con có bị đổ mồ hôi không, các bộ phận như đầu, tay, chân, lưng, bụng của con có bị quá lạnh hay quá nóng để có sự điều chỉnh phù hợp nhất.
Cho trẻ bú đầy đủ và đúng cách
Trong những ngày còn nằm trong bụng mẹ, trẻ liên tục được cung cấp chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai. Vì vậy khi trẻ mới chào đời, nếu không được bú đầy đủ trẻ rất dễ bị đói. Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều kháng thể tốt, có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ có thể hấp thụ và phát triển khỏe mạnh. Hãy chuẩn bị thêm một hộp sữa ngoài cho con ăn trong trường hợp mẹ ít sữa.
Ngoài ra, cần cho trẻ bú đúng cách, tránh trường hợp trẻ bị trớ, ọc sữa có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Trong khoảng thời gian đầu, chắc chắn mẹ và bé sẽ gặp khó khăn khi bú nhưng chỉ cần khoảng 1 đến 2 tuần các thao tác trở nên thuần thục hơn khi có sự kết hợp nhịp nhàng của hai mẹ con. Lưu ý, mẹ nên bế bé ở tư thế thoải mái nhất, dùng một tay để giữ bé, tay còn lại để nâng vú để trẻ dễ bú hơn. Sau khi bé ăn no, tuyệt đối không nên đặt bé nằm ngay, hãy bế đứng và vỗ nhẹ vào lưng con. Khi đặt bé ngủ, hãy cho bé nằm cao đầu hơn so với phần thân để hạn chế trường hợp con bị trớ.
Vệ sinh cuống rốn cho trẻ sơ sinh
Cuống rốn của trẻ sơ sinh nếu không được vệ sinh đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Bản chất của cuống rốn lúc này là một vết thương hở nên cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để rốn khô thoáng, nhanh rụng hơn. Tuyệt đối không bôi bất cứ thuốc gì lên rốn của trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Khi thay băng rốn cho con cần quan sát xem rốn có bị chảy máu, bị mụn mủ, chảy dịch, sưng đỏ, rỉ nước, có mùi hôi tanh không… Nếu có bất cứ hiện tượng bất thường nào, hãy cho trẻ đi khám ngay, tuyệt đối không chủ quan hay tự ý chữa theo các mẹo dân gian sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Thông thường, rốn của trẻ sẽ tự rụng trong khoảng từ 8 đến 10 ngày. Sau khoảng 2 tuần thì vết thương đó lành hẳn khi đó bạn mới có thể yên tâm được.
Tắm cho con để con luôn sạch sẽ
Trong những ngày đầu, bạn nên để những người đã có kinh nghiệm tắm cho trẻ, bởi nếu các mẹ chưa từng tắm cho trẻ con lần nào sẽ không biết cách bế tắm phù hợp, đồng thời các thao tác thực hiện lâu hơn con dễ bị cảm lạnh.
Ở nhiều nơi có thói quen tắm cho trẻ bằng nước lá chè tươi nhưng hãy đảm bảo đó là lá chè sạch, không phun thuốc để tránh gây kích ứng cho da em bé. Nếu nhà bạn không có sẵn lá chè, có thể tắm cho trẻ bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc sử dụng nước sạch để tắm cho con. Tuyệt đối không được tắm bằng nước lạnh cho dù thời tiết rất nóng, không nên tắm quá lâu, khi tắm hãy tắt quạt, tắt điều hòa và tắm ở phòng kín gió. Trước khi tắm, mẹ nên chuẩn bị tã lót, quần áo để con mặc ngay sau khi lau khô người, tránh trường hợp để con tiếp xúc với nước quá lâu con sẽ dễ bị sổ mũi, ốm sốt… Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần lưu ý trong việc vệ sinh tai, mắt, mũi, lưỡi cho con hàng ngày bằng các sản phẩm an toàn để con yêu luôn được thoải mái, sạch sẽ, hạn chế sự tấn công của vi khuẩn gây hại.
Thay tã cho con để con luôn khô thoáng
Mẹ hãy thường xuyên kiểm tra và thay tã lót cho con, tránh trường hợp con đi vệ sinh làm ướt tã, con sẽ dễ bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn. Cần phải rửa sạch bộ phận sinh dục và vùng hậu môn của bé bằng khăn sạch và nước ấm. Nên lau nhẹ nhàng, tránh mạnh tay làm con bị đau rát, khó chịu. Sau khi lau khô bằng khăn sạch nên quấn tã mới ngay để con không bị lạnh.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại tã dành cho trẻ sơ sinh như: Tã chéo, tã vải, tã xô, tã dán, tã quần… Tùy vào loại tã cha mẹ đã mua mà có cách quấn khác nhau. Cha mẹ chỉ cần lưu ý quấn tã cho trẻ sao cho thoải mái nhất, không quá chặt làm trẻ khó chịu, cũng không nên quấn quá lỏng lẻo làm tã dễ bị tuột ra ngoài.
Trong thời gian đầu khi mới có con có thể cha mẹ chưa thể làm tốt được tất cả các điều trên, nhưng đừng quá lo lắng hãy nhờ đến sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm và tập thực hiện dần dần, sau một thời gian bạn sẽ tự thấy bản thân mình đỡ “vụng” trong việc chăm sóc con yêu.
Mặt khác, trong giai đoạn trẻ sơ sinh, con rất dễ bị ốm phải đi viện, vì vậy cha mẹ nên tham gia một gói bảo hiểm cho con để con được chăm sóc sức khỏe toàn diện, được bảo vệ trước các rủi ro không may xảy ra trong cuộc sống. Đó cũng là phương án tối ưu để cha mẹ lên kế hoạch tài chính cho tương lai học vấn của con sau này.